Không còn trải qua giai đoạn ảm đạm, giá cả tuột dốc, thậm chí phải “giải cứu”, giá chuối trong tháng 2/2023 được ghi nhận vào khoảng 12.000 - 14.000 đồng/kg, là mức cao nhất trong 3 năm qua khi xuất khẩu (XK) vào Trung Quốc. Trong vài tháng trở lại đây, giá chuối cũng ổn định ở mức khá cao, trung bình 11.000-13.000 đồng/kg.
Có nhiều “cửa sáng”
Với mức giá này, nhà vườn lời khoảng 5-7 ngàn đồng/kg, tương đương 250-300 triệu đồng/ha. Và theo dự báo thời gian tới giá chuối có thể sẽ tiếp tục tăng khi đây là mặt hàng xuất khẩu (XK) lớn và tiêu thụ thuận lợi.
Tín hiệu “sáng” có thể thấy rõ ở “thủ phủ chuối” Đồng Nai - địa phương có diện tích chuối lớn nhất cả nước với 13.149 ha (chiếm đến 70% diện tích chuối của vùng Đông Nam Bộ) khi đặt mục tiêu năm 2023 sẽ XK trên 500.000 tấn chuối (ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng), còn từ đầu năm đến nay đã XK trên 200.000 tấn.
Nhằm quảng bá sản phẩm chuối tươi XK, vào ngày 22/2, Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với UBND Đồng Nai tổ chức lễ XK hơn 300 tấn chuối tươi đầu năm Quý Mão 2023 sang thị trường Trung Quốc. Địa phương này được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với 30 mã vùng, có diện tích 5.669 ha, con số này đang dẫn đầu cả nước.
Trước “cửa sáng” của XK chuối cũng cần nhắc lại vào tháng 11/2022, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị định thư về kiểm dịch quả chuối tươi XK từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết. Điều này được cho là nhằm đảm bảo việc XK chuối chính thức, ổn định bền vững, đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp mang lợi ích cho người trồng chuối.
Trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết ngành rau quả nhận được sự quan tâm lớn của các cấp lãnh đạo khi phía sau ngành này là hàng triệu nông dân. Với thị trường XK chính của rau quả Việt là Trung Quốc, một khi họ “đóng biên” là ảnh hưởng đến đời sống nông dân rất nhiều.
“Chính vì vậy, sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp mở toang cánh cửa XK chính ngạch rau quả Việt vào nước này. Trong đó phải kể đến quả chuối đã được Trung Quốc ký nghị định thư chính thức nhập khẩu chính ngạch”, ông Nguyên chia sẻ.
Đề cao thêm tầm quan trọng của cây chuối, vị Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, đây là loại cây ăn quả được trồng nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay với diện tích đạt 155.000ha, cho sản lượng khoảng trên 2 triệu tấn/năm.
Tăng trưởng với tư duy chuẩn hóa thị trường
Trung Quốc hiện có có nhu cầu nhập khẩu chuối khoảng 1 tỷ USD/năm là cơ hội rất lớn để chuối của Việt Nam đẩy mạnh kim ngạch XK. Nhưng để làm được điều này, sau khi có nghị định thư thì sức cạnh tranh của quả chuối Việt cần phải nâng lên nhằm gia tăng thị phần. Bởi lẽ, với thị trường này thì Philippines đang chiếm đến 50% thị phần, Campuchia chiếm 20%, còn Việt Nam chỉ có 16%.
Theo giới chuyên gia, tiềm năng XK của trái chuối tươi và chế biến còn rất lớn vì loại trái cây này cho thu hoạch quanh năm. Theo một số thương lái và doanh nghiệp (DN) XK chuối tươi, Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu trái chuối từ thị trường Việt Nam vì 2 nước láng giềng rất thuận lợi về vị trí địa lý.
Tuy nhiên, để có được bước tăng trưởng mới, nhất là đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong nghị định thư, vấn đề hiện nay là người nông dân trồng chuối phải chủ động thay đổi, từ sản xuất nhỏ lẻ sang hợp tác, liên kết với DN, hợp tác xã (HTX) nhằm “chuyên nghiệp hóa ngành sản xuất chuối tươi của Việt Nam”, đầu tư cho chất lượng để có sản phẩm chuối tốt, giá chuối tốt.
Như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ, với tư duy chuẩn hóa thị trường, chuẩn hóa ngành hàng chuối, chúng ta sẽ tiếp cận được thêm những thị trường khác, bên cạnh đó, thay đổi tư duy từ buôn bán thương mại của doanh nghiệp sang tư duy XK cho cả một ngành hàng chuối tươi.
“Khi chuẩn hóa được việc XK chuối sang thị trường Trung Quốc, thương hiệu chuối của Việt Nam sẽ được nâng lên và khi đó thu nhập của bà con nông dân, những người trồng chuối sẽ được cải thiện và quan trọng nhất ở đây là giảm được rủi ro về thị trường”, ông Hoan nói.
Tính thêm về bước tăng trưởng mới cho XK chuối, nhiều ý kiến cho rằng ngoài thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc thì việc đa dạng thị trường XK chuối và đầu tư cho khâu chế biến là điều cần làm.
Không chỉ vậy, ngay cả việc XK phụ phẩm chuối là điều mà các DN cần lưu tâm. Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), cây chuối có các phụ phẩm khác có tiềm năng không kém sản phẩm trái chuối.
Đơn cử là lá chuối, trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng lá chuối tại nước ngoài trở nên đa dạng hơn, lá chuối còn được sử dụng để trang trí trong nhà hoặc trang trí món ăn. Song song đó, cùng với xu hướng tìm kiếm các giải pháp bao bì mới, thân thiện với môi trường và có khả năng thay thế bao bì nhựa dùng một lần, lá chuối cũng là một lựa chọn được cân nhắc.
Theo dữ liệu BSA thu thập được hồi năm ngoái, chỉ trong 6 tháng đầu năm, XK mặt hàng lá chuối ước tính lên đến hơn 250 ngàn USD, chủ yếu đến thị trường Mỹ, Úc, Thụy Sỹ và Nhật Bản. Giá bán lá chuối XK vào khoảng 1,8 – 2 USD/kg, tương đương (41.000 – 46.000 đồng/kg).
Nhìn chung, khi tiềm năng tiêu thụ còn rất lớn trên thị trường XK, điều cần làm để XK chuối có bước tăng trưởng mới cao hơn đang đòi hỏi các nhà vườn, người nông dân và HTX, DN phải có hướng đi bền vững. Nhất là việc hình thành những vùng chuyên canh XK, chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng được chuẩn mực của thị trường.